Hoàng Long JOC và Thăng Long JOC tiếp tục ký kết thỏa thuận kết nối mỏ
Ngày 22/4//2024, tại TP Hạ Long, Hoàng Long JOC và Thăng Long JOC đã tiến tới thống nhất để tiếp tục ký kết thỏa thuận kết nối mỏ Hải Sư Trắng – Hải Sư Đen (HSTD) với mỏ Tê Giác Trắng (TGT) nhằm chia sẻ chi phí thuê tàu FPSO và các chi phí vận hành khai thác giữa hai dự án.
Lễ ký kết có sự tham dự, chứng kiến của đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Hội Dầu khí Việt Nam (VPA), Tổng công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) cùng đại diện các đối tác của hai dự án SOCO, PTTEP, BITEXCO.
Ý tưởng về việc kết nối mỏ HSTD với mỏ TGT đã được thể hiện qua việc ký kết bản thỏa thuận ghi nhớ HOA vào tháng 11/2010 và việc ký kết thỏa thuận kết nối mỏ (Tie-in Agreement – TIA) lần đầu tiên giữa HLJOC và TLJOC được thực hiện vào tháng 6/2012. Từ ngày 19/5/2013, dòng dầu khai thác chính thức từ mỏ HSTD đã được vận chuyển đến TGT FPSO để xử lý. Những cột mốc thời gian này là minh chứng cho sự thành công ban đầu của Petrovietnam, PVEP, và các đối tác trong cả hai dự án, cùng nỗ lực không ngừng để thúc đẩy quá trình kết nối mỏ HSTD với mỏ TGT, nhằm chia sẻ chi phí thuê tàu FPSO và các chi phí vận hành khai thác.
Lễ ký kết thỏa thuận kết nối mỏ Hải Sư Trắng – Hải Sư Đen với mỏ Tê Giác Trắng
Trong suốt 11 năm qua, việc kết nối mỏ thành công giữa 2 dự án đã tạo ra lợi ích kinh tế lớn cho 2 bên, ước tính hàng trăm triệu USD cho HLJOC và TLJOC. Điều này thể hiện rõ qua lợi nhuận đem về cho chính phủ và các đối tác tham gia tại cả 2 dự án.
Ông Vũ Minh Đức – Tổng Giám đốc TLJOC cho biết, để thành công trong việc kết nối mỏ HSTD vào mỏ TGT, HLJOC và TLJOC đã phải giải quyết một loạt các vấn đề kỹ thuật phức tạp nhằm cân đối nhu cầu của cả 02 dự án. Trong đó bao gồm công suất xử lý, các hệ thống thiết bị phụ trợ, công nghệ phân chia sản phẩm dầu khí và thành phần dầu khí có tính chất lý hóa khác nhau…
Thỏa thuận về kết nối mỏ TIA giữa hai bên lần đầu tiên được ký kết dựa trên việc tính phí theo đơn giá thỏa thuận (tarriff). Tuy nhiên, đến năm 2018, khi ký lại hợp đồng thuê tàu TGT FPSO, TIA cần phải được thỏa thuận lại trên cơ sở chia sẻ chi phí theo tỷ lệ phân chia sản phẩm (pro-rata) để phù hợp với thực tế hợp tác chia sẻ chi phí phi lợi nhuận giữa 02 dự án. Sau gần 6 năm kể từ 8/2018, hai bên đã phải sử dụng hợp đồng tạm thời trước khi chính thức thống nhất và đi đến ký kết TIA mới này.
Ngoài việc đạt được thỏa thuận chia sẻ chi phí TIA, việc phối hợp vận hành giữa HLJOC và TLJOC cũng diễn ra một cách nhịp nhàng và hiệu quả, nhằm đảm bảo tối ưu hóa chế độ khai thác và duy trì hoạt động liên tục của mỏ cao nhất. Bằng chứng cho sự thành công này là thời gian duy trì hoạt động liên tục luôn ở mức cao, hoàn thành vượt kế hoạch và cao hơn so với cam kết trong hợp đồng thuê tàu và vận hành tàu FPSO.
Đặc biệt, việc ký kết thỏa thuận TIA lần này giúp tối ưu hóa chi phí vận hành cụm mỏ, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho các nhà đầu tư và nộp Ngân sách Nhà nước.
Ông Đặng Việt Long – Tổng Giám đốc HL-HV JOCs chia sẻ, để đạt được sự hợp tác thành công của hai dự án hôm nay trước tiên là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Petrovietnam, lãnh đạo PVEP cùng với đó là sự nỗ lực không ngừng của tập thể ban lãnh đạo, CBCNV hai dự án HLJOC và TLJOC cùng các đối tác kéo dài qua các giai đoạn từ năm 2010 cho đến nay. Nhân sự kiện, ông Đặng Việt Long đã gửi lời cảm ơn chân thành đến các lãnh đạo của Petrovietnam, PVEP, SOCO, PTTEP, BITEXCO và tất cả những bên có liên quan đã đóng góp vào thành công của việc ký kết thỏa thuận TIA mới này.
Nguồn: Petrotimes
Lượt truy cập: 106